Khoán việc là một hình thức khá phổ biến đôi khi ranh giới pháp lý giữa khoán việc/gia công…trong quan hệ lao động nhiều khi không rõ ràng dễ gây hiểu lầm và áp dụng luật dân sự. Luật Minh Khuê tư vấn và giải đáp một số trường hợp về khoán việc trong quan hệ lao động, dân sự:
1. Hợp đồng khoán việc có phải là hợp đồng lao động ?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng Công ty Luật Minh Khuê, đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp và tư vấn như sau:
Căn cứ quy định của Bộ luật lao động năm 2012 và theo thông tin bác cung cấp, chúng tôi xin đi vào trao đổi về hai vấn đề chính:
Vấn đề 1: Thắc mắc liên quan hợp đồng khoán việc
Hợp đồng khoán việc có phải hợp đồng lao động? Có được pháp luật thừa nhận?
Thứ 1: Hợp đồng khoán việc là sự thỏa thuận của hai bên, theo đó bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành một công việc nhất định theo yêu cầu của bên giao khoán và sau khi đã hoàn thành phải bàn giao cho bên giao khoán kết quả của công việc đó. Bên giao khoán nhận kết quả công việc và có trách nhiệm trả cho bên nhận khoán tiền thù lao đã thỏa thuận.
Có 2 loại hợp đồng khoán việc:
– Hợp đồng khoán việc toàn bộ là hợp đồng trong đó bên giao khoán trao cho bên nhận khoán toàn bộ các chi phí, bao gồm cả chi phí vật chất lẫn chi phí công lao động có liên quan đến các hoạt động để hoàn thành công việc. Trong khoản tiền người giao khoán trả cho người nhận khoán bao gồm chi phí vật chất, công lao động và lợi nhuận từ việc nhận khoán.
– Hợp đồng khoán việc từng phần là hợp đồng mà trong đó người nhận khoán phải tự lo công cụ lao động. Người giao khoán phải trả tiền khấu hao công cụ lao động và tiền công lao động.
Trong các quy định pháp luật lao động không đề cập tới loại hợp đồng khoán việc này. Về bản chất, hợp đồng khoán việc không phải hợp đồng lao động, không có các nội dung cơ bản của hợp đồng lao động và chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự.
Nói như vậy, bác có thể đối chiếu lại hợp đồng khoán việc bác đang cầm trên tay, nếu nó có chứa các nội dung cơ bản của hợp đồng theo quy định tại Điều 23 Bộ luật Lao động năm 2012 thì dù tên của hợp đồng là hợp đồng khoán việc nhưng vẫn sẽ bị coi là hợp đồng lao động.
Bác có thể tham khảo mẫu hợp đồng khoán việc sau để thấy rõ sự khác biệt giữa hai loại hợp đồng này: Mẫu hợp đồng khoán việc mới nhất
Hợp đồng khoán việc vẫn được thừa nhận theo quy định pháp luật.
Bởi lẽ, Bộ luật lao động 2012 không quy định cụ thể về hợp đồng khoán việc, tuy nhiên, hợp đồng khoán việc được coi như một giao dịch dân sự và chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự.
Vấn đề 2: Nghỉ phép năm
Thứ nhất, nếu hợp đồng của bác mang tên hợp đồng khoán việc nhưng bản chất lại là Hợp đồng lao động:
Khoản 1 Điều 111 Bộ luật Lao động 2012 quy định về nghỉ hằng năm như sau:
“1. NLĐ có đủ 12 tháng làm việc cho một NSDLĐ thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo HĐLĐ như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;….”
Trong trường hợp NLĐ làm chưa đủ 12 tháng thì phải căn cứ vào Khoản 2 Điều 114 Bộ luật Lao động 2012 và Điều 7 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động 2012 về thời giờ làm việc:
Vậy: Bác vẫn được nghỉ phép năm theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, nếu hợp đồng của bác không phải là hợp đồng lao động.
Theo quy định về nghỉ phép năm tại Điều 111 Bộ luật Lao động, đối tượng được áp dụng là “người lao động”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3, khái niệm người lao động được định nghĩa như sau:
“1. Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.”
Nếu xem xét quy định trên, bác không làm việc theo hợp đồng lao động nên không giải quyết phép năm. Bác có thể bổ sung thêm điều khoản về việc nghỉ hằng năm trong hợp đồng khoán việc đã ký với nhà đài.