Đăng ký bản quyền ý tưởng đối với giao diện website và app thực hiện như thế nào ?

23/10/2020 - 02:08
1404 views

Website và app là những phương tiện truyền thông hiệu quả trong thời kỳ công nghệ số. Việc đăng ký bản quyền đối với giao diện website, và app nhằm tránh việc các tổ chức, công ty khác nhái hoặc thiết kế các sản phẩm tương tự:

1. Hướng dẫn đăng ký bản quyền với giao diện website và app

Kính gửi công ty luật minh khuê, hôm qua tôi có gọi điện thoại số 1900.6162 tư vấn và bạn tư vấn nói trường hợp của tôi đăng ký được bản quyền. Tôi xin hỏi rõ hơn là tôi có bản trình bày ý tưởng kinh doanh. Và hình chụp giao diện web và app đã đủ chưa. Nội dung chi tiết của phần mềm thì tôi chưa làm xong. Vậy tôi vẫn đăng ký bản quyền được chứ ah ?
Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Khoản 1 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định:

“1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký…”

Vậy có thể thấy, ý tưởng không thể là đối tượng bảo hộ của pháp luật sở hữu trí tuệ. Nếu bạn muốn bảo hộ ý tưởng, bạn phải thể hiện nó dưới một hình thức nhất định theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Do đó, bạn có thể bảo hộ phần mềm của bạn khi đã hoàn thành chương trình phần mềm máy tính.

Hồ sơ đăng ký phần mềm máy tính bao gồm:

– Tờ khai đăng ký bản quyền tác phẩm phần mềm máy tính. Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm; tóm tắt nội dung tác phẩm thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.

– Hai đĩa CD chứa nội dung tác phẩm và 02 bản in phần mềm tác phẩm đăng ký, Cục Bản quyền tác giả Văn học – Nghệ thuật có trách nhiệm lưu giữ một bản và giao lại một bản cho tổ chức, cá nhân đăng ký sau khi cấp Giấy chứng nhận.

– Hợp đồng uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;

– Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;

– Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu tác phẩm thuộc sở hữu chung.

– Bản sao chứng minh thư của tác giả

– Quyết định giao việc (trong trường hợp tác giả là nhân viên Công ty) hoặc Hợp đồng thuê sáng tạo tác phẩm (trong trường hợp thuê sáng tạo tác phẩm);

– Bản sao Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh (trong trường hợp người nộp đơn là pháp nhân)

Các tài liệu quy định tại các điểm nêu trên phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.

Nơi tiếp nhận đăng ký:

– Phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả

Địa chỉ: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, TP. Hà Nội. ĐT: 04.38 234 304.

– Văn phòng Đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP. Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, P. 6, Q. 3, TP. Hồ Chí Minh. ĐT: 08.39 308 086

– Văn phòng Đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP. Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 01 Đường An Nhơn 7, Phường An Hải Bắc, Quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. ĐT: 0511.3 606 967

2. Hồ sơ đăng ký bản quyền đối với website

Đăng ký bản quyền website gồm: đăng ký giao diện website, đăng ký code của trang web, để bảo hộ bản quyền tác giả cho website của mình.

Việc độc quyền tác phẩm không phụ thuộc vào việc có đăng ký bản quyền tác giả hay không. Hay hói cách khác việc đăng ký bản quyền là không bắt buộc, việc đăng ký bản quyền tác giả có tác dụng giúp cho chủ sở hữu không phải chứng minh quyền tác giả khi xảy ra tranh chấp.

Hồ sơ đăng ký bản quyền web:

+ Thông tin của Tác giả

+ Thông tin người nộp đơn

+ Bản code website

+ Bộ ảnh chụp giao diện của website

+ Bản sao chứng minh thư nhân dân của tác giả

+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của chủ sở hữu

Thời gian đăng ký bản quyền website

Trong thời hạn 10-15 ngày chủ sở hữu website sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ bản quyền webiste.

» Đăng ký bản quyền sản phẩm

» Đăng ký bảo hộ Website

3. Thời gian bảo hộ bản quyền tác giả

 

Thời gian bảo hộ bản quyền tác giả, Khi một tác giả sáng tạo ra tác phẩm, sẽ phát sinh việc bảo hộ quyền nhân thân và quyền tài sản. Vậy thời hạn bảo hộ quyền là bao lâu?

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả được quy định như sau:
1. Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ được bảo hộ vô thời hạn.
2. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ có thời hạn bảo hộ như sau:
a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Trong thời hạn năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu được định hình, nếu tác phẩm chưa được công bố thì thời hạn được tính từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả được xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;
b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;
c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

4. Thủ tục đăng ký bản quyền ý tưởng

Quy trình, thủ tục để đăng ký bản quyền ý tưởng gồm các bước cụ thể như sau:

Bước 1: Ý tưởng cần được thể hiện bằng một hình thức vật chất nhất định

Để ý được có thể đủ điều kiện để đăng ký bảo hộ thì ý tưởng đó cần được thể hiện dưới một hình thức nhất định như được thể hiện trên giấy, trên mặt đất, thể hiện bằng một hiện vật nhất định như một sản phẩm có thể sử dụng được,… Một khi ý tưởng được thể hiện bằng một hình thức vật chất nhất định thì mới có cơ sở, có căn cứ để đăng ký bảo hộ, còn có ý tưởng nhưng chỉ suy nghĩ, hình dung, tưởng tượng trong đầu thì không thể đăng ký bảo hộ được.

Bước 2: Lựa chọn loại hình tác phẩm tương ứng và phù hợp với ý tưởng

Căn cứ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành thì chỉ một số tác phẩm mới thuộc đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, do đó, nếu ý tưởng của bạn đã được thể hiện dưới một hình thực nhất định, bạn sẽ phải lựa chọn một loại hình tác phẩm tương ứng và phù hợp với ý tưởng đó để đăng ký bảo hộ Quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

Bước 3: Chuẩn bị, soạn thảo hồ sơ và tiến hành nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ

Để không phải mất nhiều thời gian, chi phí đi lại, bạn cần hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ càng nhanh càng tốt và đương nhiên, hồ sơ cũng cần đầy đủ giấy tờ, đủ điều kiện để đăng ký bảo hộ quyền tác giả theo đúng quy định của pháp luật. Sau đó, thực hiện thủ tục nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể thông qua hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

Bước 4: Theo dõi tiến độ hồ sơ và nhận kết quả

Việc theo dõi hồ sơ là một bước cần thiết để biết được thông tin sớm nhất về yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký bảo hộ tác giả hoặc nhận được thông báo sớm nhất về việc tác phẩm được đăng ký bảo hộ thành công.

5. Hồ sơ đăng ký bản quyền ý tưởng.

Hồ sơ đăng ký bản quyền ý tưởng gồm những giấy tờ sau:

– Tờ khai đăng ký bảo hộ quyền tác giả theo mẫu áp dụng chung toàn quốc;

– Các bản in ý tưởng trên giấy;

– Bản sao có công chứng hoặc chứng thực Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân của người đăng ký bảo hộ;

– Văn bản cam kết của chủ ý tưởng về việc không sao chép, tác phẩm là do chính tác giả sáng tạo ra;

– Hợp đồng ủy quyền hoặc Giấy ủy quyền hoặc Giấy giới thiệu nếu chủ sở hữu không tự thực hiện thủ tục.

* Cơ quan có thẩm quyền đăng ký bản quyền ý tưởng

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký bản quyền ý tưởng hiện nay là Cục Bản quyền tác giả tại địa chỉ số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Quận Ba Đình, Hà Nội.

Ngoài ra Cục Bản quyền tác giả có hai văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng. Địa chỉ cụ thể:

Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3.

Tại Thành phố Đà Nẵng: Số 01 Đường An Nhơn 7, Phường An Hải Bắc, Quận Sơn Trà.

* Thời gian đăng ký bảo hộ bản quyền ý tưởng

Thời gian đăng ký bảo hộ bản quyền ý tưởng là 15 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận được hồ sơ hợp lệ.