Quy định chung về chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện như thế nào?

23/10/2020 - 02:19
328 views

Quyền tác giả, quyền liên quan có được mua bán chuyển nhượng hay không? Và mô hình một số tổ chức quản lý quyền tác giả trên thế giới sẽ được Luật Minh Khuê phân tích và cung cấp đến cho Quý bạn đọc, cụ thể:

 

1. Thủ tục chuyển quyền sử dụng quyền tác giả thực hiện như thế nào?

Điều 47 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 quy định:

1. Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ các quyền:

– Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

– Quyền tài sản;

– Quyền tài sản bao gồm độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:

+ Định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình;

+ Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình;

+ Phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình chưa được định hình mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng;

+ Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao cuộc biểu diễn của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.

– Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình

– Quyền của tổ chức phát sóng

2. Tác giả không được chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân, trừ quyền công bố tác phẩm; người biểu diễn không được chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân: Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn; Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.

3. Trong trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan phải có sự thoả thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu; trong trường hợp có đồng chủ sở hữu nhưng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.

4. Tổ chức, cá nhân được chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan có thể chuyển quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác nếu được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

2. Vài nét về quyền tác giả Vương quốc Anh

Người Anh tự hào không chỉ tiếng Anh phổ biến nhất thế giới, mà còn tự hào về quyền tác giả nước mình có lịch sử phát triển lâu đời nhất. Đạo luật Anne ra đời năm 1710 là đạo luật đầu tiên trên thế giới quy định về quyền tác giả. Từ đó đến nay đã gần 300 năm, Vương quốc Anh đã có hệ thống đồ sộ các quy định pháp luật về quyền tác giả. Người Anh cũng tự hào khi mà pháp luật quyền tác giả Vương quốc Anh đã ít nhiều tạo ảnh hưởng đến pháp luật quyền tác giả của nhiều nước trên thế giới.

(Theo J.A.L. Sterling, United Kingdom Copyright Law: a general overview in the context of national, international and regional developments).

Phải kể đến hệ thống quyền tác giả Common Law có nguồn gốc từ Vương quốc Anh với đạo luật Anne năm 1710. Hệ thống Common Law chú trọng bảo vệ các lợi ích kinh tế của tác phẩm hơn quyền tinh thần của tác giả, do đó các quy định về khai thác lợi ích kinh tế của tác phẩm rất phát triển. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng thừa nhận hệ thống bảo hộ quyền tác giả Common Law. Ngày nay, hệ thống Common Law là cơ sở cho luật quyền tác giả của Vương quốc Anh, Khối thịnh vượng chung, Ireland and Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ngược lại, lục địa Châu Âu (thuộc hệ thống Civil Law) chú trọng bảo hộ quyền tác giả trong mối liên hệ nhân thân với tác phẩm, cũng như việc khai thác lợi ích kinh tế của tác phẩm. Đó là lý do tại sao các quyền tinh thần có lịch sử được thừa nhận sớm hơn tại các nước thuộc hệ thống Civil Law.

Là thành viên của Liên minh Châu Âu, tất yếu pháp luật quyền tác giả Vương quốc Anh có những thay đổi cho phù hợp với các quy định pháp luật của Uỷ ban Châu Âu (EC). Pháp luật quyền tác giả Vương quốc Anh không quy định về đăng ký. Theo luật quyền tác giả Vương quốc Anh, một ca khúc bao gồm hai tác phẩm: tác phẩm viết đối với phần lời ca khúc và tác phẩm âm nhạc đối với phần nhạc của ca khúc. (Điều 3 Đạo luật Quyền tác giả, Kiểu dáng và Sáng chế 1988). Do đó, việc cấp phép sử dụng ca khúc sẽ phải tiến hành với cả hai tác phẩm viết và tác phẩm âm nhạc. Các quy định pháp luật quyền tác giả Vương quốc Anh gồm Đạo luật quyền tác giả, kiểu dáng và sáng chế sửa đổi năm 1988 và các văn bản dưới luật như các quy định về thời hạn quyền tác giả và quyền đối với cuộc biểu diễn năm 1995; quy định về quyền tác giả và các quyền liên quan năm 1996; quy định về quyền tác giả đối với cơ sở dữ liệu năm 1997; quy định về quyền đối với việc bán lại đối với tác phẩm nghệ thuật của họa sỹ năm 2006.

Hội đồng quyền tác giả Vương quốc Anh (BCC) là tổ chức đặc thù chỉ có ở Vương quốc Anh. BCC là cơ quan cố vấn và tư vấn quốc gia thay mặt các tổ chức đại diện quyền và lợi ích của tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền tác giả và chủ sở hữu quyền liên quan. BCC có chức năng giống như một uỷ ban liên lạc giữa các tổ chức thành viên, thành lập một diễn đàn để các tổ chức thành viên của mình thảo luận về các vấn đề quyền tác giả. BCC cũng hoạt động với tư cách là một tổ chức gây áp lực, vận động (lobby) về những thay đổi trong luật quyền tác giả tại Vương quốc Anh, Châu âu và quốc tế. Mục tiêu lớn nhất của BCC là khuyến khích các tổ chức thành viên của mình xem xét và thảo luận các đề xuất về thay đổi pháp luật trong lĩnh vực quyền tác giả, và nếu có thể thì đưa ra sự nhất trí chung. Trong khi đó, cơ quan quốc gia chịu trách nhiệm về quyền tác giả cũng như sáng chế, nhãn hiệu tại Vương quốc Anh là cơ quan sáng chế (The Patent Office).

BCC có 28 tổ chức thành viên, một số thành viên là tổ chức quản lý tập thể có chức năng thu và phân chia tiền bản quyền, số khác đơn thuần chỉ là tổ chức nghề nghiệp đại diện cho chủ sở hữu quyền tác giả, người sử dụng tác phẩm.

Có nhiều tổ chức quản lý tập thể có chức năng chính là cấp phép và phân chia phí bản quyền cho việc sử dụng tác phẩm ở Vương quốc Anh. Một số tổ chức quản lý tập thể đó là thành viên của BCC, chứ không phải tất cả. Sau đây là một số tổ chức quản lý tập thể chính ở Vương quốc Anh:

– Tổ chức quyền biểu diễn (Performance Right Society – PRS) có chức năng chính là thu và trả tiền cấp phép đối với biểu diễn công cộng, phát sóng tác phẩm âm nhạc.

– Tổ chức bảo hộ quyền tác giả liên quan đến máy móc (Mechanical Copyright Protection Society – MCPS) có chức năng chính là thu và trả tiền bản quyền liên quan đến máy móc phát sinh từ việc thu âm các bài hát. Khoản tiền thu được chia cho các thành viên là tác giả và nhà xuất bản âm nhạc.

MCPS cũng cấp phép biểu diễn công cộng và phát sóng đối với nhạc thư viện.

– Tổ chức ghi âm buổi biểu diễn (Phonographic Performance Limited – PPL) cấp phép đối với việc ghi âm các buổi biểu diễn công cộng, phát sóng, sử dụng trong chương trình cáp và in sao bằng máy móc thiết bị.

– Tổ chức ghi hình buổi biểu diễn (Video Performance Limited – VPL) cấp phép việc ghi âm và ghi hình buổi biểu diễn công cộng và phát sóng ca khúc.

– Tổ chức cấp phép quyền tác giả cơ đốc giáo (Christian Copyright Licensing – Europe) cấp phép quyền tác giả sử dụng các bài hát tôn giáo.

– Cơ quan cấp phép quyền tác giả (Copyright Licensing Agency – CLA) cấp phép đối với hành vi photocophy,

– Tổ chức Design and Artists Copyright Society (DACS) hỗ trợ và bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan cho các hoạ sỹ và nghệ sỹ tạo hình. DACS cấp phép một số hình thức sử dụng tác phẩm nghệ thuật trong các ngành như quảng cáo, xuất bản, phát sóng, kiểu dáng sản phẩm, sản phẩm đa phương tiện.

– Cơ quan cấp phép báo chí (Newspaper Licensing Agency – NLA) cấp phép photocophy một số bài báo.

– Trung tâm dữ liệu phát sóng (Broadcasting Dataservices) cấp phép sử dụng một số danh sách chương trình tivi.

Ngòai ra, Tổ chức quản lý tập thể và cấp phép tác giả (Authors Licensing and Collecting Society – ALCS) và Tổ chức cấp phép các nhà xuất bản (Publishers Licensing Society – PLC) có thể hỗ trợ để được tác giả và nhà xuất bản cấp phép.

Không ai phủ nhận được vai trò tích cực của các tổ chức quản lý tập thể, tuy nhiên trong một số trường hợp, các tổ chức này có thể độc quyền quyết định nội dung cấp phép sử dụng tác phẩm. Để tránh tình trạng này, một tổ chức độc lập với tên gọi là Toà án Quyền tác giả ra đời để phân xử mỗi khi tổ chức quản lý tập thể, người sử dụng hoặc tổ chức đại diện cho người sử dụng không thống nhất được về thời hạn và các điều kiện của giấy phép do tổ chức quản lý tập thể đưa ra. Mô hình Toà án Quyền tác giả cũng có ở nhiều nước trên thế giới như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Australia.

Với bề dày truyền thống trong lĩnh vực quyền tác giả, Vương quốc Anh cũng là điểm đến lý tưởng cho sinh viên các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam đến học tập về lĩnh vực còn mới mẻ và đầy tiềm năng này.

3. Tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả âm nhạc GEMA của nước Đức

Nếu so sánh với nước láng giềng Pháp thì hình thức tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả âm nhạc của Đức ra đời muộn hơn. Tổ chức quản lý tập thể đầu tiên của Pháp là SACEM được thành lập từ năm 1851.

Trải qua nhiều lần chia tách và sáp nhập, mãi tới năm 1933, chính quyền Đức mới quyết định cho thành lập một tổ chức độc quyền quản lý tập thể quyền tác giả âm nhạc lấy tên là STAGMA (der Staatlich genehmigten Gesellschaft zur Verwertung musikalischer Urheberrechte – Hiệp hội được nhà nước cho phép quản lý tập thể quyền tác giả âm nhạc). Ngày 24 tháng 8 năm 1947, STAGMA đổi tên thành GEMA.

GEMA (Gesellschaft für Musikalische Aufführung) là Tổ chức quản lý tập thể quyền sao chép cơ khí và quyền biểu diễn âm nhạc tại CHLB Đức. Tổ chức này đại diện cho khoảng 60.000 hội viên là các nhà soạn nhạc, soạn lời và các nhà xuất bản tác phẩm âm nhạc. GEMA hoạt động theo hình thức hiệp hội, phi chính phủ, mục đích phi lợi nhuận. Hội viên tham gia GEMA theo nguyên tắc tự nguyện. Các tác giả, chủ sở hữu quyền (nhà soạn nhạc, soạn lời hoặc các nhà xuất bản) muốn trở thành hội viên, phải đăng ký toàn bộ tác phẩm của mình với GEMA. Những người sử dụng và khai thác tác phẩm, thường là các nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, các tổ chức phát thanh, truyền hình, các nhà tổ chức biểu diễn nhạc sống, v.v…, phải trả một khoản phí cho quyền sử dụng và khai thác tác phẩm.

Tại CHLB Đức có quy định, các thiết bị và các phương tiện đa truyền thông có khả năng sao chép âm nhạc bắt buộc phải cộng thêm một khoản phí bản quyền trong giá bán cho người sử dụng. Khoản phí này được giao cho Trung tâm quyền sao chép cá nhân, và từ đó một phần của phí này được chuyển cho GEMA. Năm 2004, Hiệp hội quốc tế ngành công nghiệp ghi âm (IFPI) đề nghị giảm khoản phí cấp phép đã được thỏa thuận từ năm 1997 cho các phương tiện ghi âm từ 9,009 % xuống còn 5,6 % giá thành sản xuất. GEMA lập tức phản đối động thái này và cho rằng đây là “âm mưu của ngành công nghiệp ghi âm Đức tìm cách giải quyết các vấn đề của mình trên lưng các nhà sáng tạo âm nhạc”. Năm 2005, qua việc không chấp nhận việc giảm mức phí bản quyền như đơn đề nghị của IFPI, Cơ quan trọng tài thuộc Cục sáng chế CHLB Đức tại Munich đã ra phán quyết có lợi cho GEMA. Đối với đĩa quang trắng, từ 1/1/2002, khoản phí bản quyền được ấn định là 8,7 Cent, bao gồm cả thuế (tương đương 1.800 VND) trên mỗi giờ dung lượng ghi của đĩa trắng. Trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, chủ nhà hàng có diện tích dưới 100 m2, nếu sử dụng nhạc từ các bản ghi âm phải trả phí bản quyền hàng tháng cho GEMA ở mức 19,92 Euro € (tương đương 400.000 VND).

GEMA phải thực hiện 2 nhiệm vụ dường như xung khắc với nhau, một mặt, phải bảo vệ quyền lợi cho các hội viên, mặt khác, phải đảm bảo quyền cho người sử dụng âm nhạc thỏa mãn nhu cầu của họ thông qua việc trả tiền bản quyền. Vì vậy, GEMA cũng chịu chỉ trích từ nhiều phía. Thứ nhất, qua điều tra cho thấy có tới 20% tổng số hội viên chưa hài lòng với phương thức phân phối như hiện nay. Chỉ có chưa đầy 10% số hội viên của GEMA mà được nhận hơn 70% tổng số tiền bản quyền phân phối lại cho hội viên, trong khi trên 90% hội viên còn lại chỉ được nhận một tỷ lệ nhỏ. Thứ hai, có sự mất cân đối trong cán cân thanh toán trên lĩnh vực biểu diễn nhạc. GEMA đã phải chịu phí tổn rất lớn cho công tác kiểm soát tại các buổi trình diễn này. Năm 2005, GEMA thu được 77,3 triệu € từ lĩnh vực biểu diễn. Tuy nhiên, rất nhiều nhà tổ chức biểu diễn đã và đang có phản ứng mạnh với GEMA.

GEMA đã áp dụng từ đầu năm 1998 phương pháp tính toán, phân phối tiên tiến mang tên PRO. GEMA chia tiền bản quyền đã thu được theo một hệ thống điểm, phân biệt giữa nhạc bác học và nhạc bình dân, ví dụ một bài hát riêng lẻ theo nhạc Pop được tính 12 điểm, còn một tác phẩm được trình diễn hàng giờ bởi một dàn nhạc giao hưởng lớn thì được tính tới 1200 điểm.

Doanh thu của GEMA tăng trưởng đều đặn, năm 2000: 801 triệu €; năm 2001: 811 triệu €; năm 2002: 812,5 triệu €; năm 2005: 852 triệu € (tương đương 16 nghìn tỷ VND, chiếm khoảng 0,04 % GDP của CHLB Đức), tăng 5,2% so với năm trước.

Cơ cấu thu chi của doanh thu năm 2002 như sau: tổng thu: 812.511.000 €, trong đó từ nhạc sống: 67.326.000 €; nhạc phim: 10.730.000 €; nhạc cơ khí: 101.821.000 €; thuê, mượn băng, đĩa: 7.406.000 €; sản xuất bản ghi âm, ghi hình: 266.693.000 €; từ các tổ chức quản lý tập thể khác: 39.784.000 €; các phương tiện sao chép: 20.083.000 €; phát thanh và truyền hình: 198.784.000 €; từ nước ngoài: 66.896.000 € và từ các nguồn khác: 32.988.000 €. Tổng tiền chi trả cho hội viên là 693.790.000 €. GEMA được phép giữ lại 118.721.000 € (14,6 % doanh thu) để chi trả nhân sự (62.131.000 €) và chi phí vật chất (56.590.000 €) cho hoạt động của mình.

4. Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan đến tác giả

Trả lời

Quy định chung về chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan theo căn cứ tại Luật sử hữu trí tuệ năm 2005

Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền:

+) Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

+) Quyền tài sản, hoặc quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình/của tổ chức phát song cho tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, các quyền nhân thân khác như: quyền đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm của tác giả và của người biển diễn không được chuyển nhượng.

Trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền

Bước 1: Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan

Khi chuyển giao quyền tác giả thì cần phải chuẩn bị hợp đồng chuyển nhượng bao gồm những nội dung sau:

– Tên, địa chỉ của cả các bên (bên nhận và bên chuyển nhượng)

– Căn cứ và phạm vi chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan

– Chi phí và phương thức thanh toán khi chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan

– Quyền và nghĩa vụ của các bên

– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan của các bên

Bước 2: Đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Chuẩn bị hồ sơ xin cấp đổi gồm các giấy tờ:

– Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan

– 2 bản sao tác phẩm/bản định hình

– Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan

– Nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung thì cần có: Văn bản đồng ý của đồng chủ sở hữu

Bước 3: Giải quyết hồ sơ

Nộp hồ sơ tại Cục bản quyền tác giả, thời hạn giải quyết hồ sơ là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

5. Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

Trả lời:

Khi chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan bằng hình thức chuyển quyền sử dụng là việc chủ sở hữu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ các quyền:

– Quyền tác giả:

+ Làm tác phẩm phái sinh

+ Biểu diễn tác phẩm trước công chúng

+ Sao chép tác phẩm

+ Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm

+ Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng các phương tiện thông tin

+ Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính

– Quyền liên quan

+ Định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình;

+ Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình

+ Phát sóng cuộc biểu diễn

+ Bán, cho thuê bản gốc hoặc bản sao cuộc biểu diễn

a) Đặc điểm

– Tác giả chỉ được phép chuyển sử dụng quyền công bố tác phẩm, không được phép chuyển sử dụng các quyền nhân thân khác.

– Trong trường hợp tác phẩm có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan phải có sự thỏa thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu.

– Trong trường hợp tác phẩm có đồng chủ sở hữu nhưng tác phẩm có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu có thể chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.

b) Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

Việc chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan theo hình thức chuyển quyền sử dụng nên được thực hiện thông qua hợp đồng chuyển quyền sử dụng

Đặc điểm của hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan:

– Là hợp đồng dân sự đặc biệt, mang tính chất đền bù hoặc không có đền bù.

– Trong hợp đồng này, bên sử dụng không phải là chủ sở hữu đối với những quyền được chuyển giao và cũng chỉ có quyền sử dụng các quyền đó theo hình thức nhất định được thỏa thuận trong hợp đồng.

– Quyền năng sử dụng tác phẩm bị giới hạn trong phạm vi thời gian và không gian trong hợp đồng.

c) Trình tự thủ tục chuyển quyền sử dụng

Thủ tục chuyển quyền sử dụng được thực hiện như đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả. Hợp đồng cũng làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên.